Hỉ, nộ, ái, ố là những cảm xúc mà ai cũng phải trải qua. Trong cuộc sống, để có thể giữ được bình tĩnh quả thực không dễ. Đôi khi chỉ vì một chút nóng giận tức thời mà chúng ta ra quyết định sai lầm, khiến bản thân đánh mất những gì đang có. Bài viết này, Cảm Hứng Sống sẽ cùng bạn tìm hiểu cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống với quy tắc 3 giây.
Tại sao bạn lại mất bình tĩnh và dễ quyết định sai?
Trong thực tế, chúng ta đều là con người và chịu ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc. Đôi khi, chúng ta đưa ra những quyết định nghe có vẻ lý trí nhưng thực tế là được quyết định bởi cảm xúc.
Tức giận, nổi nóng cũng là một trong những loại cảm xúc mà chúng ta đều phải trải qua. Sở dĩ, bạn có cảm xúc tức giận là bởi bạn tiếp nhận thông tin (lời nói, hình ảnh, chữ viết,…) trái quan điểm và ý kiến của bạn.
Chẳng hạn, bạn luôn thấy làm toán 1+1=2 mới đúng. Đột nhiên một ngày có một giáo sư chứng minh 1+1=3 và bắt nền giáo dục thay đổi.
Lúc này, bạn thấy có sự bất đồng quan điểm giữa bạn và vị giáo sư kia.
Thế là bạn cảm thấy tức giận.
Hoặc có một ngày khác, bạn nói với người bạn của mình ăn chay mới tốt.
Nhưng người bạn đó nằng nặc bảo bạn mê tín, ăn thịt mới đủ chất.
Và thế là, bạn cảm thấy tức giận vì niềm tin của mình bị xúc phạm.
Bản thân những quyết định của chúng ta đã rất cảm xúc rồi. Trong lúc cơn tức giận điều khiển cao độ bạn lại càng dễ ra quyết định sai lầm.
Cách để tập trung 100% khi làm việc
Cách ngủ sớm cho người quen thức khuya
Cách giữ bình tĩnh khi tức giận với quy tắc 3 giây
Quy tắc 3 giây mà Cảm Hứng Sống sắp giới thiệu không chỉ áp dụng cho việc giữ bình tĩnh mà còn áp dụng cho toàn bộ các cuộc giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày.
Quy tắc này rất đơn giản. Mỗi khi giao tiếp, bạn không nên phản hồi, trả lời ngay lập tức mà nên chờ 3 giây sau mới phản hồi. Thực hiện theo cách này sẽ giúp
- Người nói cảm giác bạn đang lắng nghe họ và cảm thấy được tôn trọng hơn
- Bạn có 3 giây để suy nghĩ lại những gì mình sắp nói
- Bạn có thể kìm chế cảm xúc tốt hơn
Quy tắc 3 giây này thực hiện không khó nhưng đôi khi bạn vẫn để cảm xúc lấn át khiến cơn giận bung trào.
Thực tế cho thấy, quy tắc 3 giây rất hiệu quả trong việc kiểm soát sự nóng giận ở các cuộc hội thoại và trò chuyện. Tuy nhiên, khi phải kìm nén quá nhiều, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy rất ức chế và chỉ muốn nổi cáu với ai đó.
Theo kinh nghiệm của Cảm Hứng Sống, mỗi ngày, bạn nên dành thời gian để ngồi thiền và nói chuyện với bạn bè, người thân.
Việc làm này sẽ giúp bạn giải tỏa cảm xúc ức chế đang tồn đọng trong cơ thể và giúp bạn giữ bình tĩnh tốt hơn.
Một số cách giữ bình tĩnh khi tức giận khác
Bên cạnh quy tắc 3 giây giữ bình tĩnh khi tức giận, Cảm Hứng Sống cũng muốn chia sẻ với bạn một số cách bổ trợ khác để bạn có thể đối diện với cơn giận. Cụ thể như sau:
Chuyển sang làm việc khác
Khi tức giận vì lý do gì đó như tức giận con cái, tức đồng nghiệp, tức sếp,… bạn tốt nhất nên tạm tránh mặt và chuyển sang làm việc khác. Khi tức giận, cơ thể sẽ nóng bừng bừng như thể sắp đánh nhau đến nơi. Nếu được thì bạn nên đi rửa mặt, ngâm tay vào chậu nước hoặc uống cốc nước lạnh.
Việc hạ nhiệt độ cơ thể sẽ giúp bạn thấy thoải mái và đỡ khó chịu hơn.
Thường xuyên học cách mở lòng
Nhìn chung, nguyên nhân sâu xa nhất mà chúng ta tức giận là vì chúng ta không mở lòng và luôn luôn giữ khư khư quan điểm của mình. Một mẹo nhỏ cho bạn là hãy tham gia các hội nhóm thể hiện quan điểm, tranh luận trên Facebook.
Mỗi ngày, bạn có thể dành 5 – 7 phút đọc các bình luận và TUYỆT ĐỐI không được comment gì cả. Bạn sẽ thấy thế giới này có rất nhiều quan điểm trái chiều, rất nhiều ý kiến khác nhau.
Hãy học cách mở lòng, xem xét đúng sai trước khi phán xét ai đó không cùng quan điểm với mình.
Viết nhật ký
Viết nhật ký cũng là cách tốt để bạn giữ bình tĩnh khi nóng giận. Tuy nhiên, cách này phù hợp để thực hiện vào cuối ngày. Bạn hãy viết lại chính xác lý do mình tức giận và mình đã tức giận như thế nào.
Hãy thử theo dõi trạng thái tức giận của bạn trong 1 tháng. Sau đó, đọc lại bạn sẽ thấy những lý do mình tức giận thật buồn cười và ngớ ngẩn. Luyện tập cách này thường xuyên sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn tức giận và không bao giờ bị nó quấy rầy nữa.
Ăn đồ ngọt
Đồ ngọt có thể làm cải thiện tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn rất nhiều. Khi đang tức giận, bạn cũng có thể ngậm 1 viên kẹo để cảm thấy tâm trạng thoải mái hơn. Tuy nhiên, đừng lạm dụng và cũng đừng ăn quá nhiều.
Nếu cảm thấy mệt mỏi quá thì cho phép bản thân được khóc
Với một số bạn, khi tức giận mà không nói được lời nào sẽ khiến bản thân thấy nghẹn ở cổ, cảm giác ức chế dồn nén.
Nhất là với những bạn phải làm việc với sếp, khách hàng. Những lúc tức giận mà vẫn “ăn chửi” khiến các bạn càng lúc càng cảm thấy ức chế. Một mẹo nhỏ mà Cảm Hứng Sống muốn gợi ý cho các bạn là bạn có thể khóc để giải tỏa căng thẳng.
Đừng lo bạn nhé, khóc không phải là xấu và việc khóc cũng không có nghĩa là bạn yếu đuối. Chỉ là trong tình huống này, chúng ta phải khóc vì miếng cơm manh áo mà thôi.
Những điều không nên làm khi đang tức giận
Khi tức giận, cơ thể bạn tưởng chừng như có sức mạnh đập tan thế giới nhưng thực ra bạn lại đang rất yếu đuối và dễ ra quyết định sai lầm. Cảm Hứng Sống có một số lời khuyên bạn không nên làm khi tức giận như sau:
Không nói năng gì gây tổn thương người khác
Khi tức giận, khả năng cao là bạn sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ bằng cách buông ra những lời cay đắng hết sức có thể để khiến đối phương càng nghe càng tổn thương. Tuy nhiên, điều này có thể hủy hoại các mối quan hệ mà bạn mất rất nhiều công sức xây dựng.
Như Cảm Hứng Sống đã nói ở trên, hãy để cơn giận đi qua và viết nhật ký tại sao bạn tức giận. Bạn sẽ thấy nếu vì lý do đó mà mất đi một người bạn, đồng nghiệp thì quả thật vớ vẩn và không đáng chút nào.
Không quyết định gì
Nếu bạn đang tức giận thì tốt nhất là không nên quyết định gì cả. Mọi chuyện để mai tính. Quyết định càng quan trọng thì càng không nên chốt sổ lúc đang bực bội bạn nhé.
Đăng đàn lên mạng xã hội
Khi tức giận thì bạn không nên đăng lên mạng làm gì nhé. Bạn nghĩ bạn sẽ được người khác thông cảm và an ủi ư. Không đâu, họ chỉ muốn hóng hớt câu chuyện của bạn thôi.
Lái xe
Bạn có thấy trong phim khi các nhân vật tức giận thường lên xe đập vô lăng uỳnh uỳnh không. Đấy là họ đi ô tô nên còn đỡ. Ở Việt Nam mình, hầu hết mọi người đều đi xe máy. Thế nên đang cáu giận mà lái xe là nguy hiểm lắm nhé. Bạn nên nhờ ai đó chở đi hoặc thuê xe ôm nhé.
Đá thúng đụng nia
Nhiều người lý luận rằng khi tức giận, họ cảm thấy việc đập phá đồ đạc sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn thử nghĩ xem, những đồ vật bạn đập phá nào có tội tình gì. Đó là chưa kể sau khi đập phá xong thì bạn lấy gì dùng hoặc lấy tiền đâu mà đền??
Chung quy là đừng vì một chút thoải mái nhất thời mà phải móc hầu bao ra mua đồ đạc mới nhé.
Ngoài ra, việc cho phép bản thân đá thúng đụng nia cũng là nuôi dưỡng mầm mống bạo lực bên trong con người bạn đó. Đừng đập phá vô cớ bạn nhé.
Lời kết
Bạn thấy đấy, khó có cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống nào là hoàn hảo. Khả năng kìm chế cơn giận đến đâu nằm ở chính bản thân bạn. Mỗi khi cảm thấy bực bội, điên đầu quá, hãy nhớ 3 điều quan trọng nhất: không nói năng bất cứ điều gì, không quyết định bất cứ điều gì và tìm nơi giải tỏa cảm xúc.
Chúc bạn thành công!